Hãy để thế hệ trẻ chủ động, khám phá, tự tìm tòi

Ngày gửi 15/11/2018

 -  3697 Lượt xem

Đánh giá về nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay, World Bank (WB) cho rằng chúng ta có một nguồn nhân lực dồi dào nhưng lại thiếu chất lượng, trong khi nhà tuyển dụng lại mong muốn ở chất lượng. Điều đó thấy rằng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cần có cái nhìn thực tế hơn.

Cũng trong buổi trực tuyến bàn về giải pháp nào để nâng cao nguồn nhân lực Việt Nam trong thời kì đổi mới diễn ra tại tòa soạn báo Vietnamnet, chúng tôi đã ghi lại các ý kiến, nhận định của của Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam và ông Christian Bodewig - Tác giả chính báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của WB.

Bà Victoria Kwakwa nhận định thực trạng nguồn nhân lực hiện nay rằng: “Việt Nam thực hiện rất tốt hệ thống xây dựng kĩ năng tính toán cũng như kĩ năng đọc viết cơ bản, nếu nhìn vào lực lượng trưởng thành thì kĩ năng của Việt Nam tốt hơn kĩ năng của các nước có cùng trình độ phát triển, thậm chí còn tốt hơn cả các nước phát triển, giàu có hơn Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay kĩ năng đối với các nhà tuyển dụng cũng đã thay đổi, lực lượng lao động của Việt Nam có tính toán cũng như kĩ năng tốt, nhưng họ mong đợi lực lượng này có kĩ năng hơn nữa, đặc biệt là kĩ năng nhận thức, đó là tư duy phản biện và giải quyết vấn đề”.

Lực lượng dồi dào nhưng ít kĩ năng

Theo đánh giá của WB, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kĩ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB) trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94...

Bà Victoria Kwakwa cũng cho biết, nguồn nhân lực Việt Nam rất đông nhưng lại thiếu kĩ năng giải quyết vấn đề, thiếu kĩ năng về mặt xã hội và hành vi, bên cạnh đó theo đánh giá của WB thì nhân lực của chúng còn yếu về giao tiếp. Những  mặt thiếu này Việt Nam cần nhanh chóng bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng với thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.


Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam. Ảnh Xuân Trung

Một bài học nói ngay không đâu xa, ở các nước phát triển tại Châu Á, việc đầu tư cho nguồn nhân lực được chú trọng đặc biệt, trong đó giáo dục đóng vai trò quan trọng nhất  đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hàn Quốc đã nhiều năm nay đầu tư chú trọng phát triển giáo dục, coi giáo dục là nhân tố tiên quyết để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, bên cạnh đó, đất nước này luôn cử nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động ra nước ngoài học tập trau dồi tư duy và kĩ năng nghề nghiệp, họ có nhiều chính sách đãi ngộ khi họ hoàn thiện và về nước làm việc.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận toàn bộ quá trình đầu tư, chú trọng cho nguồn nhân lực của chúng ta trong nhiều năm qua, tuy nhiên khách quan thấy rằng nguồn nhân lực Việt vẫn thiếu và yếu so với các nước trong khu vực. Vậy, làm gì để trang bị kĩ năng tư duy cho thanh niên Việt Nam trong điều kiện thực tế? Ông Christian Bodewig - Tác giả chính báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của WB cho biết, thị trường lao động hiện nay đánh giá cao về kĩ năng tư duy, kĩ năng hành vi, kĩ năng giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, những kĩ năng này không phải một sớm, một chiều có thể xây dựng được thông qua việc đọc sách này hay sách kia, mà đòi hỏi phải chủ động tìm kiếm nhiều trải nghiệm khác nhau trong quá trình học tập và trong thực tế.

“Để có được kĩ năng phản biện, tư duy, tôi xin gợi ý thanh niên nên tìm kiếm cơ hội thực tập để có cơ hội cọ sát, trải nghiệm trong thực tế, kết  hợp nó với giáo dục ở trường ĐH. Muốn phát triển tư duy phản biện đó thì phải nghiên cứu, phát triển các nội dung như thế nào, có sự lựa chọn tốt, tìm hiểu đầy đủ thông tin cho mình” ông Christian Bodewig nêu ý kiến.

Ông Christian Bodewig cũng thừa nhận, các  nước có cùng trình độ như Việt Nam cũng đang phải giải quyết, đối mặt với các trường hợp tương tự như Việt Nam đang đối mặt đó là nguồn lực bị hạn chế. Vậy thách thức làm sao có thể huy động một nguồn lực để trả được mức lương hấp dẫn thu hút được nhân tài tham gia vào công tác giảng dạy?.

Nhưng lương bổng cũng chỉ là một khía cạnh để cho giáo viên thỏa mãn trong công việc, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như cơ hội được tiếp tục học tập, phát triển về chuyên môn, môi trường làm việc cũng rất quan trọng.

“Tôi xin đề xuất một ý kiến mà ngành giáo dục có thể tập trung vào: Cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên, kể cả là các sinh viên sư phạm cũng như các giáo viên đang giảng dạy. Tạo cho họ những cơ hội để tiếp tục phát triển chuyên môn trong toàn bộ quãng đời sự nghiệp của mình”, ông Christian Bodewig kiến nghị với Bộ GD&ĐT cùng Chính phủ Việt Nam.

Những kĩ năng không lỗi thời

Những kĩ năng về nhận thức ở cấp độ cao, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, là những kĩ năng của tương lai, theo ông Christian Bodewig là không bao giờ trở nên lỗi thời.


Ông Christian Bodewig: Đổi mới phải làm sao tăng tính tự chủ ở các trường học. Ảnh Xuân Trung

Do dó đổi mới giáo dục lần này làm sao để phát triển được kĩ năng này là cả một quá trình. “Tôi thấy yêu cầu về kĩ năng chuyên môn kĩ thuật sẽ thay đổi vì công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng. Thay đổi hệ thống giáo dục để làm cho hệ thống nhạy bén những thay đổi của thời đại, của công nghệ, tạo ra sự tự chủ của các cơ sở giáo dục để nhậy bén trước những tín hiệu mà thị trường phát ra” ông Christian Bodewig nhấn mạnh tầm quan trọng của lần đổi mới giáo dục tại Việt Nam.

Cũng theo ông Christian Bodewig, đổi mới phải làm sao tăng tính tự chủ ở các trường học, vì thực tế nếu các trường chỉ có thông tin nhưng cơ chế ra quyết định trong trường không cho phép tự do hay tự chủ thì không nắm bắt được cơ hội mà họ nhận được. Do vậy phải đảm bảo cơ hội để tự chủ, ngoài ra phải có năng lực để đưa ra những quyết đó.

Bài học trên thế giới cũng như các trường ở Châu á khi được trao quyền tự chủ cao hơn thì vấn đề thiếu khớp nối sẽ ít nghiêm trọng hơn. Quyền tự chủ sẽ giúp các trường đại học tự xây dựng được nội dung, chương trình giảng dạy, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ở góc nhìn khác, bà Victoria Kwakwa lại cho rằng, bà nhấn mạnh tới tầm quan trọng ở bậc giáo dục mầm non để hình thành những kĩ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm. Những kĩ năng đó sẽ được hình thành ở giai đoạn sớm khi còn là những đứa trẻ. Qua đó cũng cần đảm bảo sự phối hợp giữa phụ huynh và trẻ nhỏ để cho khả năng, tìm tòi của trẻ được phát triển.
 
Giới trẻ cần chịu trách nhiệm về tương lai của mình

Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam trước vận mệnh và cơ hội của mình trong xã hội, bà Victoria Kwakwa cho biết các bạn cần tự chịu trách nhiệm về tương lai của mình, về số phận của mình, và đừng chờ đợi để số phận đến với chúng ta như thế nào để chấp nhận như vậy, mà hãy quyết định nó, tìm kiếm cơ hội. Tự tìm các nguồn lực để tự định hình lên các kĩ năng cho mình.

“Hãy chủ động, bản thân mình là một giải pháp để giải quyết các thách thức mà mình gặp phải, chủ động trong tìm kiếm thông tin, sử dụng thông tin để có nhiều thông tin khác nhau” bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

(Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hay-de-the-he-tre-chu-dong-kham-pha-tu-tim-toi/327241.gd)

Bích Trâm

 

 

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến

livechat
Vivatuvan


0966337755 - 0977334400