Ngành Logistics là gì? Học những gì? Ra trường làm gì?

Ngày gửi 02/10/2020

 -  152381 Lượt xem

CDV - Ngành Logistics có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35 – 40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng chóng mặt trong thời gian sắp tới.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay riêng trên địa bàn Tp.HCM có khoảng 800 – 900 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong tổng số khoảng hơn 1500 doanh nghiệp trên cả nước.

Theo ước tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Sự phát triển nóng của dịch vụ ngành logistics đã làm cho nguồn nhân lực cho ngành này trở nên thiếu hụt trầm trọng.

Ngành Logistics là gì?

Ngành Logistics là vòng tròn bao gồm các hoạt động như: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… nhằm đạt được mục đích sau cùng là chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất.

Từ đây suy ra, nhân viên Logistics sẽ là người phụ trách các công việc liên quan đến chuỗi các hoạt động nói trên.

Nếu làm tốt Logistics thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí vận chuyển không hề nhỏ, điều đó đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ được hạ xuống từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và đem về nhiều lợi nhuận.

Quản lý chuỗi cung ứng bao gồm tất cả các hoạt động quản lý hậu cần gồm lập kế hoạch và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng và thu mua, bao gồm tất cả hoạt động Logistics.

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cung cấp bức tranh toàn cảnh về hệ thống kinh doanh để giúp người quản trị đưa ra chiến lược phát triển sản xuất sao cho hiệu quả nhất và phân bổ hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Cơ hội và thách thức của ngành Logistics:

Thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành.

Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm dành cho những người theo học ngành Logistics là rất lớn, bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc làm lương cao, ổn định tại các doanh nghiệp Logistics trong và ngoài nước ngay sau khi vừa ra trường.

Tuy nhiên, không có công việc nào dễ dàng cả, để thành công với nghề Logistics cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Đầu tiên, bạn phải trau dồi khả năng ngoại ngữ vì hầu hết các doanh nghiệp đều có định hướng mở rộng hợp tác với các công ty nước ngoài, các chứng từ, biên bản theo đó cũng được trình bày dưới dạng tiếng Anh.

Thông thạo ngoại ngữ sẽ là bàn đạp vững chắc để bạn tìm thấy cơ hội ở bất cứ công ty nào. Tiếp theo, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý phải di chuyển nhiều, đặc biệt khi bạn chọn công việc liên quan đến xuất nhập khẩu. Ngoài ra, sự năng động, nhanh nhẹn và tỉ mỉ cũng giúp bạn ghi điểm khi tham gia ứng tuyển vào vị trí Logistics.
 

Logistics học gì ?

Logistics tại Việt Nam là một trong những ngành phát triển mạnh nhất theo dự đoán của các thành viên khi nước ta tham gia hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản như cà phê, lúa gạo…và mặt hàng thủy hải sản với mức thuế suất ưu đãi cùng với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và các mặt hàng phục vụ ngành công nghiệp nặng: ô tô, dầu nhớt…với thuế suất giảm dần về 0% khiến ngành Logistics trở thành tâm điểm của sự chú ý.

Ngành Logistics sẽ trang bị cho các bạn kiến thức từ cơ bản đến nâng cao như:

Giao dịch thương mại Quốc tế: Quá trình hình thành hợp đồng và tổng quan về ngành Logistics sau khi hợp đồng đã được hình thành. Những điều khoản Incorterm trong quá trình giao dịch hàng hóa cho cả người bán lẫn người mua, cách khai báo hải quan và thông quan hàng nhập, hàng xuất qua hệ thống khai báo hải quan điện tử VINACCS.

Vận tải Quốc tế: Những kiến thức liên quan đến việc chuyên chở và vận tải hàng hóa bằng đường biển, bằng đường hàng không, chuyên chở hàng hóa bằng Container…và cước phí vận tải liên quan đến hàng. Ngoài ra, sinh viên sẽ được học về quá trình đóng gói và xếp dỡ hàng hóa, cùng với quá trình lưu kho, lưu bãi.

Bảo hiểm trong hoạt động kinh tế đối ngoại: Việc mua bán hàng hóa quốc tế thường xảy ra những rủi ro nhất định. Đặc biệt là việc chuyên chở hàng hóa bằng đường biển (chiếm 2/3 số lượng hàng hóa giao dịch hàng năm).

Do đó, những kiến thức về bảo hiểm và các loại bảo hiểm sẽ là kiến thức cơ bản để người học ngành Logistics có thể nắm bắt, tránh được những rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng từ kho bãi đến cảng, từ địa điểm A đến địa điểm B…và có thể tính toán được TTC ( Tổn thất chung), TTR (Tổn thất riêng) và số tiền bảo hiểm nhận được nếu gặp phải rủi ro trong hành trình trên biển.

Thanh toán Quốc tế: Thanh toán là bước quan trọng nhất trong hoạt động mua-bán hàng hóa. Do đó, đây là kiến thức không thể thiếu cho người học Logistics. Ở trường Ngoại Thương hay những ngành Kinh tế đối ngoại của trương khác, đều được học những phương thức thanh toán phổ biến hiện nay để áp dụng thanh toán giá trị cho lô hàng nhập: Hối phiếu, Kì phiếu, chuyển tiền bằng điện hay tín dụng thư (L/C)…

Luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại: Bên cạnh bảo hiểm thì Luật pháp chính là căn cứ khi nảy sinh ra những tranh chấp mà hai bên không thể thỏa thuận được. Những kiến thức về luật pháp điều chỉnh trong nước và Luật quốc tế như Công ước Viên 1980, các quy tắc Hamburg và Hague Visby giúp người học nắm rõ được các nguyên tắc và các điều luật để tránh sai phạm và xảy ra kiện tụng, tranh chấp.

– Ngoài một số bộ môn chính để nắm rõ được kiến thức cơ bản về Logistics thì kiến thức Anh văn chuyên ngành là một trong những gia vị không thể thiếu để bạn có thể đam mê và theo đuổi ngành Logistics. Quá trình soạn thảo hợp đồng và các loại thư Hỏi hàng, chào hàng, cùng với những kiến thức về tiếng Anh thương mại sẽ là cơ sở để sinh viên có thể thực hiện thành công quá trình xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa trên thương trường Quốc tế.

Trên đây là những kiến thức cơ bản, vì Logistics là một ngành “dịch vụ hậu cần” bao quát tất cả các khâu chuyển tiếp và phối hợp nhịp nhàng từ nơi sản xuất đến tay người dùng nên tất cả các ngành nhỏ khác như Kế toán, Marketing….đều có liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa.

>> Chương trình học của ngành Logistics tại Cao đẳng Viễn Đông:

Xem chi tiết tại đây: click vào để xem

Các trường đào tạo ngành Logistics:

- Đại học Ngoại thương

- Đại học Kinh tế TP. HCM

- Đại học Kinh tế - Luật

- Đại học Giao thông vận tải TP. HCM

- Đại học Tôn Đức Thắng

- Cao đẳng Kinh tế đối ngoại

- Cao đẳng Viễn Đông

Điểm mạnh của ngành Logistics ở Cao đẳng Viễn Đông:

Là ngành được trường Cam kết đảm bảo việc làm đúng ngành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp (cam kết trên hợp đồng với mức lương cao và ổn định).

Có đội ngũ giảng viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và năng động.

Được học trực tiếp với giảng viên người nước ngoài trong các môn chuyên ngành.

Có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp. Sinh viên được tiếp cận với công việc thực tế ngày từ năm nhất tại các doanh nghiệp chuyên về Logistics như: Công ty Pacific Lines; Công ty Cổ phần Logistics Vinalink, Transimex, Công ty TNHH Hiệp Phát Container, Nguyễn Ngọc Logistics...

Sinh viên có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo ngay trong quá trình tham gia thực tập.

Hỗ trợ sinh viên việc làm bán thời gian đúng chuyên ngành học ngay từ khi mới vào trường.

Học Logistics ra làm gì và mức lương?

Các vị trí công việc dành cho những người chọn học chuyên ngành Logistics khá đa dạng, cụ thể bạn có thể làm các công việc tại những công ty hay doanh nghiệp chuyên môn về Logistics, công ty giao nhận hàng hóa, công ty vận tải hay hàng trăm doanh nghiệp có nghiệp vụ Xuất nhập khẩu hàng hóa lớn và nhỏ trên địa bàn TP.HCM cũng như trong cả nước, cụ thể:

– Nhân viên xuất nhập khẩu

– Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu

– Nhân viên thu mua

– Nhân viên chứng từ

– Nhân viên quản lý hàng hóa

– Nhân viên quản lý điều hành hoạt động vận tải

– Nhân viên thanh toán quốc tế

– Nhân viên kinh doanh Logistics,...

Xem thêm công việc của ngành Logistics

Mức lương: Đây là ngành dịch vụ hàng đầu đem lại kim ngạch cán cân lớn cho đất nước, nên từ dịch vụ vận tải hay đến dịch vụ giao nhận đều là ngành “Hot” hiện nay. Bạn có thể làm dịch vụ về vận tải đường biển, đường hàng không hay đường sắt, đường ống…

Ngoài ra, các dịch vụ liên quan đến việc thông quan hàng, các thủ tục thông quan hàng hóa, dịch vụ lưu kho, lưu bãi và cho thuê các kho ngoại quan cũng là tâm điểm việc làm lớn cho sinh viên ngành Logistics.

Các vấn đề phát sinh và dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa và dịch vụ bảo vệ quyền lợi liên quan đến Luật pháp cũng là cơ hội để bạn làm việc trong môi trường mới lạ và năng động hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Mức lương mới ra trường cho sinh viên từ 6-7tr VNĐ/tháng và tăng lương theo từng quý cùng với năng lực là một trong những con số ổn định để những bạn đang theo học ngành Logistics có thể yên tâm theo đuổi đam mê của mình.

Nguồn nhân lực về ngành này còn đang thiếu hụt so với các ngành khác, nhưng lại là ngành phát triển rực rỡ trong 10 năm tới. Do đó, bạn hãy chuẩn bị và trang bị cho mình những kiến thức thật vững vàng để cùng phát triển một ngành Logistics bền vững.

Các cấp bậc của ngành Logistics:

Logistics Officer ($300 – $700): Vị trí này không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, bạn có thể ứng tuyển vị trí này ngay khi bạn vừa mới ra trường. Mức lương khởi điểm của một nhân viên Logistics khá cao so với mặt bằng chung, khoảng 6-7 triệu/ tháng.

Logistics Supervisor ($1000 – $1500): Bạn có thể được cất nhắc lên vị trí này khi đã có trong tay 1-2 năm kinh nghiệm, tùy công ty mà bạn sẽ phụ trách vị trí Logistics Supervisor hoặc thăng tiến trực tiếp lên Logistics Manager.

Logistics Manager ($1000 -$4000): Để trở thành Logistics Manager, bạn phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm cùng khả năng nói và viết tiếng Anh lưu loát. Mức lương có thể chênh lệch tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp nhưng mức cao nhất bạn nhận được có thể lên đến $4000, thậm chí hơn $5000.

Logistics Director ($4000 – $6000): Là người đứng đầu, quản lý, phân bổ và kiểm soát hoạt động Logistics trong công ty, bạn phải nằm lòng nghiệp vụ và có trên 8 năm kinh nghiệm. Nhiều công ty không có vị trí này mà chuyển thẳng lên thành Supply Chain Director.

Supply Chain Director ($5000 – $7000): Đúng như tên gọi của mình, Supply Chain Director (Giám đốc chuỗi cung ứng) sẽ phụ trách tất cả các hoạt động Logistics liên quan đến chuỗi cung ứng không chỉ trong nước mà còn có thể ở phạm vi quốc tế. Trách nhiệm cao, đòi hỏi cũng nhiều nhưng mức lương bạn nhận được là hoàn toàn xứng đáng.

Administrator

 

 

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến

livechat
Vivatuvan


0966337755 - 0977334400