Xét nghiệm sinh hóa là gì

Ngày gửi 17/09/2020

 -  2678 Lượt xem

CDV - Xét nghiệm sinh hoá máu là xét nghiệm với bệnh phẩm là máu nhằm đo lường nồng độ các chất hoá học nhất định trong mẫu máu. Kết quả xết nghiệm sẽ cho thấy tình trạng hoạt động của các cơ quan giúp tìm ra các bệnh lý bất thường.
 


Xét nghiệm sinh hóa máu là gì?

Xét nghiệm sinh hoá máu đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm bệnh lý, điều trị và theo dõi điều trị bệnh. Các chỉ số xét nghiệm sinh hoá máu cơ bản bao gồm

- Ure máu

- Creatinin huyết thanh


- AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT


- ALP


- Bilirubin


- Albumin


- Đường huyết (glucose)


- Mỡ máu


- Xét nghiệm ion đồ


- Xét nghiệm Acid uric
 

Kết quả của xét nghiệm sẽ cho thấy các cơ quan đang hoạt động tốt như thế nào và có thể giúp tìm ra những bất thường, bệnh lý.

Các loại xét nghiệm sinh hóa

Có nhiều loại xét nghiệm sinh hóa máu được thực hiện trong thực hành thăm khám lâm sàng hằng ngày. Tuy nhiên, tùy vào từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ chỉ định đo lường loại nào là phù hợp, tránh dư thừa. Trong đó, các chất sinh hóa quan trọng, phổ quát thường làm là các men gan, chất thải của thận là creatinin, các chất điện giải, chất béo, đường, protein. Đôi khi trong bệnh lý chuyên biệt, bác sĩ sẽ cần khảo sát thêm nồng độ các loại hormone, vitamin và khoáng chất.
 

Trong lĩnh vực xét nghiệm y khoa, chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu được thực hiện rất phổ biến, như là một công cụ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị với các vai trò quan trọng như sau:

- Đánh giá chung khi thăm khám sức khỏe tổng quát

- Kiểm tra chức năng một số cơ quan như thận, gan

- Kiểm tra chức năng một số tuyến nội tiết như tuyến giáp

- Kiểm tra sự cân bằng nước và điện giải trong môi trường ngoại bào

- Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý và các tình trạng y khoa

- Làm cơ sở để so sánh diễn tiến bệnh học hay đáp ứng điều trị trong tương lai

Xét nghiệm sinh hóa học gì làm gì?

Các bạn sẽ được học từ cơ bản đến nâng cao từ cách lấy máu đến cách bảo quản mẫu và chạy các mẫu bệnh phẩm, đến cách bảo quản hóa chất, được thực hành trên các máy chuyên dụng tốt nhất. Nắm vững các cách chạy xét nghiệm và khả năng đọc hiểu giải thích kết quả cho bệnh nhân .

Khi có chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu, bác sĩ đã lựa chọn chỉ số sinh hóa cần quan tâm để đo lường. Với chỉ định này, điều dưỡng hay kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ lấy một lượng máu vừa đủ của người bệnh tại vị trí tĩnh mạch trên tay. Mẫu bệnh phẩm sẽ được cho vào lọ có chứa chất chống đông phù hợp, dán tên người bệnh và nhanh chóng cho vào máy xét nghiệm. Trong trường hợp chưa thể đưa máu đến phòng xét nghiệm, các lọ bệnh phẩm cần lưu trữ trong điều kiện thích hợp, tránh để môi trường bình thường trở thành yếu tố gây nhiễu cho kết quả thu nhận.

Toàn bộ quá trình xét nghiệm sinh hóa máu đều thực hiện khép kín bằng máy móc với các chất hóa học chuyên biệt, từ lúc đưa máu vào máy cho đến lúc thu nhận kết quả. Sau đó, kết quả sẽ được gửi trả lại cho bác sĩ chỉ định ban đầu. Phần bệnh phẩm dư thừa sau khi hoàn thành xét nghiệm sẽ được xử lý như rác thải y tế.

Cần lưu ý rằng, một số chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu đòi hỏi người bệnh không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, trừ nước, trong vài giờ trước khi làm xét nghiệm. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm sinh hóa máu. Do đó, người bệnh cần được dặn dò những điều này trước khi thực hiện xét nghiệm


Các xét nghiệm sinh hóa máu thường được thực hiện là gì?

Các xét nghiệm sinh hóa máu thường được thực hiện trong việc đánh giá khám sức khỏe tổng quát và thăm dò chức năng cơ quan, chẩn đoán bệnh lý bao gồm:

- Chức năng gan: Những xét nghiệm sinh hóa chức năng gan đo lường khả năng của gan đang hoạt động tốt như thế nào. Đó là các thông số về men gan - protein giúp gan phân hủy các chất khác - như alanine transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST) và phosphatase kiềm (ALP). Nồng độ men gan cao có thể là dấu hiệu của viêm gan hay tổn thương tế bào gan.

Các xét nghiệm chức năng gan khác là đo nồng độ của bilirubin trong sự phân hủy huyết sắc tố từ hồng cầu. Nồng độ cao của bilirubin có thể chỉ ra các vấn đề về gan, gây rối loạn chuyển hóa bilirubin khiến chất này không đào thải ra ngoài được mà bị ứ đọng lại trong máu.

- Chức năng thận: Những xét nghiệm sinh hóa chức năng thận đo lường khả năng làm việc của thận. Vai trò của thận là đào thải các sản phẩm chuyển hóa ra ngoài, đó là nitơ urê máu (BUN) và creatinin. Từ đó, các nhà sinh hóa tính ra chỉ số mức lọc của cầu thận là eGFR, đây là thước đo mức độ thận lọc máu như thế nào. Nếu vì bất kỳ ảnh hưởng nào lên chức năng lọc của thận, các sản phẩm này sẽ ứ lại trong máu và biểu hiện là tăng nồng độ trên kết quả xét nghiệm.
 

- Điện giải: Các chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điện học trên màng các tế bào, dây thần kinh và các cơ quan, bao gồm bicarbonate, clorua, kali và natri. Sự mất cân bằng điện giải có thể là do không nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết hoặc nước hoặc do các vấn đề về thận hay rối loạn chức năng chuyển hóa của các cơ quan khác.

Đường huyết: Các tế bào trong cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng. Nguồn glucose được lấy từ thực phẩm ăn vào; do đó, nồng độ glucose trong máu sẽ tăng lên sau bữa ăn và giảm thấp vào khoảng giữa các bữa ăn. Vì vậy, để đánh giá chỉ số đường huyết được chính xác, người bệnh cần được dặn dò nhịn ăn ít nhất 6 đến 8 giờ trước khi lấy máu làm xét nghiệm.
 
Nếu lượng đường trong máu cao, đây có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường hoặc đề kháng insulin. Tuy nhiên, việc xác chẩn bệnh lý này cần dựa trên ít nhất hai thông số, bởi lẽ việc điều trị đái tháo đường cần tuân thủ suốt đời.

Lipid máu: Lipid máu hay mỡ máu là một yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch, là nguyên nhân của các biến cố quan trọng trong các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Chính vì vậy, phát hiện sớm chứng rối loạn lipid máu thông qua sự tăng nồng độ các thành phần và điều trị là các phòng ngừa tiên phát hiệu quả đã được chứng minh.
 
Tương tự như glucose máu, xét nghiệm lipid máu cũng đòi hỏi người bệnh nhịn ăn. Đồng thời, vì quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể có sự tham gia của các thành phần trung gian khác nhau, các loại cholesterol thường được chỉ định trong lâm sàng là cholesterol toàn phần, lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp (LDL), lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao (HDL) và triglycerid.
 

Thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành Xét nghiệm y học trong xã hội hiện nay và tương lai:

Y học hiện đại ngày càng phát triển thì vai trò của ngành xét nghiệm y học lại càng không thể thiếu. Kỹ thuật viên dựa vào những máy móc hiện đại, phân tích kết quả các mẫu bệnh phẩm, phát hiện ra những vấn đề bất thường, từ đó định hướng chẩn đoán cho bác sĩ.

Những kết quả xét nghiệm thường vô cùng chính xác, là cơ sở để bác sĩ khẳng định chẩn đoán lâm sàng và đề xuất giải pháp điều trị hợp lý nhất. Hiện nay, có đến 70% kết quả chẩn đoán phụ thuộc vào xét nghiệm.


Thực tế hiện nay, có rất nhiều thí sinh chưa hiểu đúng về bản chất của ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học nên đã thờ ơ, thậm chí có nhiều em còn coi đó là phương án dự bị nếu không trúng tuyển các ngành y đa khoa, dược. Tuy nhiên, nếu xét về lợi ích lâu dài, đây là ngành học mang lại nhiều lợi ích cho các em như:

Dễ dàng xin việc: Để phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày một cao của người dân, nhiều cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân hình thành, kéo theo những đầu tư về máy móc hiện đại, rất cần nguồn nhân lực làm công tác xét nghiệm y học. Chính vì thế người học ngành xét nghiệm có cơ hội việc làm rất lớn.

Lương ổn định: Không có những khoản thu nhập cao “ngất ngưởng” như các bác sĩ, song kỹ thuật viên xét nghiệm y học vẫn thuộc top những người có thu nhập đáng mơ ước.

Ít cạnh tranh: Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học là ngành khá đặc thù, cần có sự đào tạo chuyên sâu ở các trường, khoa chuyên về xét nghiệm. Do vậy người từ ngành học khác không thể làm trái ngành sang được. Hơn nữa, không giống như các ngành dược, y đa khoa hay điều dưỡng có quá nhiều thí sinh, ngành kỹ thuật xét nghiệm vẫn chiếm một tỉ lệ vừa phải nên thí sinh không phải lo lắng vấn đề cạnh tranh nhau.

Công việc nhẹ nhàng: Công việc của một kỹ thuật viên xét nghiệm y học nhẹ nhàng hơn các bác sĩ, điều dưỡng viên. Hàng ngày họ chỉ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm theo sự chỉ định của bác sĩ và phân tích kết quả của các mẫu bệnh phẩm đó để định hướng chẩn đoán bệnh cho bác sĩ.

Hiện tại, theo thống kê nước ta có khoảng 22 bệnh viên đa khoa tuyến TW trực thuộc bộ Y tế, và gần 100 bệnh viện đa khoa tỉnh, khu vực cùng khoảng hơn 65 bệnh viện chuyên khoa. Cùng với đó, các cơ sở y tế tư nhân như bệnh viện, phòng khám, phòng mạch tư nở rộ trong thời gian gần đây cũng mở ra nhiều cơ hội cho những bạn theo học ngành Xét nghiệm y học.

Ngoài ra, sự thiếu hụt nhân lực ngành xét nghiệm y học lại trở nên trầm trọng hơn khi các công ty của nước ngoài đang đẩy mạnh chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính thực tế này đã tạo ra các vị trí, việc làm phong phú cho cử nhân ngành Xét nghiệm y học, với mức lương khởi điểm hấp dẫn cùng với chế độ ưu đãi tốt 

Nguyễn Xuân Lâm

 

 

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến

livechat
Vivatuvan


0966337755 - 0977334400