Học phí đại học năm 2021: "Choáng" vì... tăng phi mã

Ngày gửi 05/05/2021

 -  682 Lượt xem

Nguồn: Học phí đại học tăng cao có ảnh hưởng đến nguyện vọng của thí sinh? (congluan.vn)

(CDV) - Hàng loạt trường đại học đã công bố biểu giá học phí mới dự kiến sẽ được áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021. Vậy mức tăng học phí mới được điều chỉnh tăng gấp nhiều lần này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc lựa chọn nguyện vọng của các thí sinh?

Trường ĐH Bách khoa TP. HCM là một trong những đại học được các thí sinh quan tâm nhiều trong kỳ tuyển sinh đại học 2021.

Trường “hot”, ngành “hot” đều tăng
 
Theo mức biểu phí mới của các trường đại học công bố kèm theo đề án tuyển sinh năm 2021 vừa qua, nhìn chung, học phí ở các trường dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh 2021 đều tăng gấp nhiều lần so với các khóa trước.
 
Trong đợt tăng học phí của khóa tuyển sinh này không chỉ có các trường tư thục mà hàng loạt các trường công lập cũng bắt đầu tăng cao. Mức tăng phổ biến ở các trường công lập gấp đôi so với khóa 2020 và diễn ra ở các trường bắt đầu thực hiện thí điểm hoạt động tự chủ tài chính.
 
Gây bất ngờ cho phụ huynh và thí sinh trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2021 có lẽ là biểu phí mới ở các trường tóp đầu của ĐH Quốc gia TP. HCM. Đây là các trường vốn được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký nguyện vọng qua các kỳ tuyển sinh với nhiều lý do. Trong đó, ngoài danh tiếng là thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, ra trường dễ kiếm việc làm… thì mức phí ở các trường này luôn ổn định, vừa "sức" đối với thí sinh ở thành thị cũng như nông thôn.
 
Bất ngờ đầu tiên phải kể đến là mức biểu phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh 2021 của Trường ĐH Bách khoa TP. HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM). Theo đó mức biểu phí mới của trường này vừa công bố tăng gấp đôi so với khóa tuyển sinh 2020. Cụ thể, so với khóa tuyển sinh 2020, chương trình đại trà tăng khoảng 13 triệu đồng, tương đương 25 triệu đồng/năm học. Còn chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh tăng khoảng 33 triệu đồng, tương đương là 66 triệu đồng/năm học. Riêng chương trình đào tạo liên kết với ĐH Birmingham City có mức thu học phí là 80 triệu đồng/năm học
 
Trường ĐH Công nghệ Thông tin, cũng là trường thành viên của ĐH Quốc gia TP. HCM bắt đầu áp dụng mức thu học phí mới từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2021. Tương tự Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mức học phí dành cho hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm học, hệ chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm và chương trình tiên tiến là 45 triệu đồng/năm học.
 
Hai trường thành viên nữa của ĐH Quốc gia TP. HCM cũng bắt đầu áp mức học phí mới là Trường ĐH Kinh tế - Luật và Trường ĐH Quốc tế. Tuy nhiên hai trường này có mức tăng nhẹ hơn, chỉ tăng thêm khoảng 10 triệu đồng, tương đương 20,5 triệu và 50 triệu đồng/năm học.
 
Cùng với các trường top đầu của ĐH Quốc gia TP. HCM, nhiều trường đào tạo các “ngành hot” cũng áp mức học phí mới theo chiều hướng tăng cao. Đơn cử như ngành răng - hàm - mặt, mức học phí ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 32 triệu đồng/năm, Trường Đại học Y Dược TP. HCM có mức học phí chưa điều chỉnh cũng đang ở mức 70 triệu đồng/năm. Cũng là ngành răng - hàm - mặt, mức thu học phí dự kiến của Trường ĐH Văn Lang từ 160 - 180 triệu đồng/năm (tùy chương trình đào tạo), Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng từ 182 - 220 triệu/năm.
 
Còn ở nhóm trường khoa học xã hội, học phí ngành Luật, lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp, tiếng Nhật và tiếng Anh ở trường “hot” Đại học Luật TP. HCM là 45 triệu đồng/năm. Ở ngành Quản trị - Luật, lớp chất lượng cao có mức học phí là 49,5 triệu đồng/năm…
 
Biểu giá học phí mới tăng cao, có đáng lo?
 
Biểu giá học phí được các trường chính thức công bố mới đây đều đã được đề cập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên đứng trước kỳ thi tuyển sinh đai học năm 2021, bên cạnh nhiều phụ huynh, học sinh xem mức tăng học phí ở các trường đại học gần đây là “không thành vấn đề” thì có không ít phụ huynh và thí sinh phân vân khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Nhất là các thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở khu vực nông thôn đang rất cân nhắc xem hoàn cảnh gia đình có kham nổi 4 đến 5 năm của khóa học.
 
Theo cô Cao Thị Hồng Duyên, Giáo viên Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp, TP. HCM), mức học phí mới ở các trường đại học gần đây chưa phải là vấn đề đáng quan tâm. Hiện các em cuối cấp đang trong tâm thế "dòm ngó", chọn lựa trường để nộp hồ sơ đăng ký đăng ký nguyện vọng. Đã có không ít trường hợp thay đổi nguyện vọng, chuyển từ trường có mức học phí thấp sang trường có mức học phí cao gấp nhiều lần vì sở thích nghề nghiệp tương lai.
 
Không những vậy, cô giáo Hồng Duyên còn nêu quan điểm cá nhân, nếu học phí tăng kèm theo chất lượng đào tạo cũng tăng là điều nên đáng mừng hơn là đáng lo.
 
Cô Duyên cho rằng, việc công bố biểu giá học phí mới ở các trường đại học mới đây chưa làm ảnh hưởng đến việc chọn ngành, chọn trường của các em. Điều mà các giáo viên quan tâm nhất hiện nay là năng lực và sở thích nghề nghiệp tương lai của từng học sinh. 
 
Cùng quan điểm, cô giáo Bùi Thị Kim Tuyến, phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp - TP. HCM) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, mức tăng học phí mà các trường đại học công bố dự kiến sẽ được áp dụng cho khóa tuyển sinh 2021 thật sự không phải là vấn đề được quan tâm nhiều. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay khi các em vẫn đang tập trung để hoàn tất chương trình lớp 12 và chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
 
Đến thời điểm này, chưa thấy một phụ huynh hay học sinh nào trong trường quan tâm đến việc tăng học phí ở các trường đại học. Phần lớn chỉ quan tâm nguyện vọng, sở thích và cả những mơ ước định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực trong tương lai.
 
Tuy nhiên, cô Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, học phí ở các trường đại học đồng loạt tăng cao là điều không vui, nhất là trong thời gian dịch bệnh covid-19 kéo dài, thất nghiệp gia tăng đã đẩy không ít gia đình ở thành thị rơi vào tình cảnh khó khăn. Tương tự, các gia đình ở nông thôn thì cũng hứng chịu không ít khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nông sản không có đầu ra, phải bán đổ bán tháo...
 
Ngoài ra, dưới góc độ của một phụ huynh cũng có con tham gia kỳ tuyển sinh 2021, cô Bùi Thị Kim Tuyến cho rằng, một khi con đã chọn trường, chọn ngành theo sở thích, nguyện vọng định hướng nghề nghiệp mà con theo đuổi thì dù học phí có cao bao nhiêu đi nữa thì cũng phải gồng gánh.
 
Cô Bùi Thị Kim Tuyến cũng cho rằng, làm cha làm mẹ thì không thể nào đưa ra lý do học phí trường này quá cao để khuyên con rút lại nguyện vọng để chuyển sang chọn trường có mức học phí thấp hơn. "Mình nghĩ các phụ huynh khác cũng vậy, dù học phí có cao đến mấy cũng phải cố, dù có phải đi vay mượn…" - cô Tuyến cho biết.       
 

 

Ở trung tâm TP. HCM là vậy, còn thí sinh ở khu vực nông thôn, các tỉnh thì sao? Cô giáo Huỳnh Thị Yến Tuyết, Trường THPT Ngô Văn Cấn (huyện Mỏ Cày Bắc - Bến Tre) cho biết, học sinh có xu hướng không chọn trường theo sở thích mà sẽ chọn trường nào có học phí thấp hơn. Điều này ảnh hưởng đến chọn ngành học của các em dẫn đến e ngại phải học đại học. Đặc biệt là các trường ngoài công lập. Nên các em sẽ có xu hướng học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Học phí đại học tăng cao. Vì thế, chọn trường như thế nào là bài toán khó cho nhiều thí sinh, nhất là các thí sinh ở nông thôn.
Theo cô Yến Tuyết, trường THPT Ngô Văn Cấn thuộc nhóm trường vùng nông thôn nên khi học phí tăng sẽ làm học sinh và phụ huynh lo lắng. Các em nào thật sự đam mê sẽ phải tìm các trường Đại học có học phí thấp hoặc phải vừa học vừa làm mới đủ điều kiện theo học hết chương trình các trường. Điều này làm học sinh phân tâm việc học, làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn trong quá trình học tập của học sinh.
 
"Hiện đã có phụ huynh của một số học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhất là học sinh học giỏi than phiền vì sợ không đủ tiền nuôi con học đại học”, cô Huỳnh Thị Yến Tuyết lo lắng.

Huy Trần

 

 

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến

livechat
Vivatuvan


0966337755 - 0977334400